Sản phẩm, Sản phẩm

Sách Động cơ Biogas

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

ĐỘNG CƠ BIOGAS

Bùi Văn Ga (Chủ biên)
Trần Văn Nam, Lê Xuân Thạch, Lê Minh Tiến, Trương Lê Bích Trâm,
Trần Thanh Hải Tùng, Nguyễn Thị Thanh Xuân


           Khai thác tài nguyên tăng cường kèm theo phát thải các chất độc hại vào môi trường làm mất cân bằng sinh thái vốn có trong tự nhiên. Điều này đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với cuộc sống của con người. Nhiều diễn đàn quốc tế, nhiều cuộc họp thượng đỉnh đã diễn ra khắp nơi trên thế giới để nêu lên một thông điệp: hãy bảo vệ môi trường trước khi đã quá muộn.
           Nghị định thư Kyoto là văn bản quốc tế đầu tiên xác nhận hoạt động của con người, chủ yếu là phát thải khí carbonic do quá trình cháy của nhiên liệu hóa thạch, là nguyên nhân làm cho bầu khí quyển ấm dần lên. Nguyên nhân đã thấy rõ nhưng cách khắc phục không hề dễ dàng. Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen COP15 mới đây tại Đan Mạch đã thất bại trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa hiệp quốc tế mạnh mẽ khác thay thế cho Nghị định thư Kyoto sắp hết hạn vào năm 2012.
           Loài người không thể từ bỏ nền văn minh dựa trên dầu mỏ vì vậy việc sử dụng hết lượng nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất là điều tất yếu sẽ xảy ra và lượng carbon chôn vùi trong lòng đất từ khi hành tinh này hình thành sẽ được giải phóng ra bầu khí quyển. Theo thống kê của các cơ quan dự báo năng lượng có uy tín thế giới thì với tốc độ khai thác như hiện nay, dầu mỏ sẽ cạn kiệt vào giữa thế kỷ này, khí thiên nhiên còn khai thác được đến cuối thế kỷ và than đá sẽ hết trong thế kỷ 22. Vì vậy giá nhiên liệu hóa thạch sẽ gia tăng thất thường trong những năm tới là điều chắc chắn xảy ra, gây tác động bất lợi cho các nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào dầu mỏ. Việc chuyển dịch dần sang sử dụng các loại nhiên liệu không truyền thống thay thế cho dầu mỏ ngay từ bây giờ chắc chắn sẽ giúp chúng ta giảm bớt sự bị động về nguồn cung cấp năng lượng cho tương lai.
           Khi nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất đã được sử dụng hết thì cũng đồng nghĩa với khối lượng carbon chôn vùi trong lòng đất từ khi nó hình thành đến nay được giải phóng ra bầu khí quyển. Nếu giải pháp “nhốt” carbon vào lòng đất không được phát minh sớm thì loài người sẽ chứng kiến thảm họa của sự bùng nổ khí hậu: nhiệt độ bầu khí quyển gia tăng liên tục, băng tuyết tan làm, mực nước biển dâng cao làm ngập mặn các vùng đấy ven biển. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Khi mực nước biển dâng lên khoảng 2m, phần lớn diện tích đất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng châu thổ Sông Hồng sẽ ngập nước.
            Một khía cạnh khác cũng cần được xem xét là khi nhiên liệu hóa thạch cạn kiệt thì loài người sẽ sử dụng nguồn năng lượng nào để thay thế. Năng lượng hạt nhân từ lâu được xem là cứu cánh nhưng những thảm họa hạt nhân ở Chernobyl năm 1986 và Fukushima năm 2011 đã làm cho người ta đặt lại vấn đề. Nước Đức đã tuyên bố từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào năm 2022, nước Nhật cũng đang xem xét đóng cửa các nhà máy hạt nhân từ sau thảm họa kép động đất-sóng thần-hạt nhân… chỉ còn nguồn năng lượng tái tạo có nguồn gốc từ năng lượng mặt trời là có thể đảm bảo duy trì nền văn minh nhân loại cho đến khi hệ Mặt trời biến mất!
            Sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và của cả hành tinh phụ thuộc vào ý thức bảo vệ môi trường của mỗi một người dân. Vì vậy việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và phát triển công nghệ sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng này đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Các nguồn năng lượng này phụ thuộc vào vị trí địa lý, tiềm năng năng lượng tái tạo của mỗi quốc gia. Điều này tạo nên thế mạnh riêng, do đó, sự phát triển công nghệ sử dụng năng lượng thay thế đặc thù trước hết dựa vào năng lực khoa học công nghệ của từng nước.
Việt Nam là một nước mạnh về nông nghiệp và có gần 80% dân số sống ở vùng nông thôn. Chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi là nguồn nguyên liệu rất tốt để sản xuất biogas. Đây là nguồn năng lượng tái sinh có nguồn gốc từ năng lượng mặt trời nên việc sử dụng nó không làm tăng nồng độ CO2 trong khí quyển.Trong những năm gần đây, phong trào xây hầm biogas ở nông thôn đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của nhà nước cũng như của dự án Khí sinh học Việt Nam-Hà Lan. Tuy nhiên nguồn biogas chủ yếu hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc đun nấu và sinh nhiệt.
           Việc tận dụng nguồn biogas để phát điện cục bộ hướng tới tập trung nguyên liệu để sản xuất biogas qui mô lớn cung cấp cho các nhà máy điện hay làm nhiên liệu cho phương tiện giao thông vận tải là hướng phát triển nhiên liệu thay thế có thế mạnh và phù hợp với nước ta.
           Sách ĐỘNG CƠ BIOGAS nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản liên quan đến việc ứng dụng biogas làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Sách bao gồm các nội dung cơ bản sau: (1) nghiên cứu lý thuyết, mô hình hóa quá trình cháy của hỗn hợp biogas, (2) nghiên cứu thực nghiệm động cơ biogas, (3) nghiên cứu nguyên lý các bộ phụ kiện cung cấp nhiên liệu biogas cho động cơ, (4) nghiên cứu mô hình hóa quá trình tạo hỗn hợp biogas-không khí qua các bộ phụ kiện, (5) thiết kế chế tạo các bộ phụ kiện chuyển đổi động cơ truyền thống thành động cơ biogas, (6) thử nghiệm động cơ biogas trên hiện trường và đánh giá hiệu quả kinh tế-kỹ thuật.
          Để giúp cho các nhà nghiên cứu trẻ có thể thực hiện nghiên cứu mô hình hóa động cơ biogas, phần cuối quyển sách giới thiệu 3 phụ lục ứng dụng phần mềm FLUENT để tính toán mô phỏng dòng chảy qua bộ tạo hỗn hợp, tính toán quá trình cháy trong động cơ biogas đánh lửa cưỡng bức và tính toán quá trình cháy trong động cơ dual fuel biogas-diesel.
           Sách gồm 535 trang, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản. Độc giả quan tâm có thể tìm mua tại các nhà sách trên toàn quốc.