Sản xuất điện năng bằng biogas
“Sẽ triển khai lắp đặt thêm 500 cụm máy sản xuất điện năng bằng biogas trên toàn quốc” là số liệu được đưa ra tại Hội thảo “Sản xuất điện năng bằng biogas: giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vể môi trường ở nông thôn” do Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) và Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào sáng 3/10 tại Đà Nẵng. Hội thảo nhằm đánh giá kết quả thực hiện dự án thí điểm giai đoạn II của dự án “Sản xuất điện năng quy mô nhỏ bằng biogas” tại một số tỉnh miền Trung do nhóm nghiên cứu động cơ nhiên liệu khí của Đại học Đà Nẵng tiến hành với sự hỗ trợ của Toyota Việt Nam (TMV) qua Chương trình Hành trình xanh Go Green. Trong hai năm 2008-2009 dự án đã triển khai lắp đặt 25 cụm máy trên 5 tỉnh miền Bắc và Trung Việt Nam với tổng kinh phí thực hiện là 353 triệu đồng. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2009-2010, sẽ triển khai lắp đặt thêm 500 cụm máy trên toàn quốc. Tổng kinh phí cho giai đoạn tiếp theo là 500 triệu đồng và TMV đã tài trợ một nửa kinh phí thực hiện.
“Sản xuất điện năng quy mô nhỏ bằng biogas” là đề tài khoa học do giáo sư- tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ga, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nay là Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo nghiên cứu. Dựa trên thành quả nghiên cứu mô hình thay đổi nhiên liệu sạch cho các loại động cơ đốt trong vốn dùng xăng dầu, ông và các cộng sự tại Đại học Đà Nẵng đã chế tạo thành công phụ kiện GATEC dùng lắp vào các máy động cơ diesel, để chuyển sang dùng khí biogas. Giáo sư- tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ga cho biết: “Hiện nay, trên thế giới, trữ lượng dầu mỏ ngày càng cạn kiệt và giá thành của sản phẩm này ngày càng tăng cao. Theo tính toán của các nhà khoa học, năng lượng điện sản sinh từ biogas cao gấp 20 lần so với năng lượng thủy điện như thực tế hiện nay chưa khai thác được nhiều. Trong tương lai nếu chúng ta chú trọng việc sử dụng các công nghệ khác nhau để sản xuất biogas và chuyển đổi sang thành điện năng hay sử dụng vào các mục đích khác sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Đây là loại nhiên liệu thay thế vừa tiết kiệm được năng lượng, tiết khiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường”.
Từ các máy phát điện diezel được chuyển đổi nhiên liệu biogas thành điện năng, người nông dân đã chủ động nguồn điện trong chiếu sáng sinh hoạt, bơm nước và đun nấu bếp, phục vụ sản xuất,…; nhiều trang trại đã hưởng lợi hàng chục triệu đồng tiết kiệm chi phí mỗi tháng. Đến nay đã có hàng chục mô hình trang trại, cơ sở sản xuất nông dân tại các tỉnh từ Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu đã áp dụng thành công mô hình này. Trên kết quả đã đạt được ở giai đoạn II, Đại học Đà Nẵng và Toyota Việt Nam đang tiếp tục mở rộng hướng phát triển, hỗ trợ tốt hơn nhu cầu ứng dụng chuyển đổi nhiên liệu biogas cho các động cơ phát điện cỡ nhỏ ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Hoài Giang