Đà Nẵng: Đề xuất áp dụng thí điểm xe điện tramway |
16:20′ 27/05/2004 (GMT+7) |
(VietNamNet)– Đó là đề xuất trong đề tài nghiên cứu ”Quy hoạch tuyến giao thông công cộng thí điểm của Đà Nẵng” do GS-TSKH Bùi Văn Ga (Đại học Đà Nẵng) chủ trì, được đánh giá rất khả thi! Một mẫu xe điện tramway hiện đại được nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất áp dụng thí điểm tại Đà NẵngHội đồng nghiệm thu đề tài khoa học TP. Đà Nẵng vừa duyệt thông qua và đánh giá cấp độ “Giỏi” cho đề tài nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường (ĐH Đà Nẵng) về ”Quy hoạch tuyến giao thông công cộng thí điểm của Đà Nẵng”. Đề tài này do GS Bùi Văn Ga chủ trì thực hiện. Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Ngọc Tuấn và các thành viên Hội đồng cùng thống nhất có văn bản trình UBND TP. Đà Nẵng về khả năng ứng dụng thực tiễn của đề tài này, nhằm sớm phát triển thành dự án hữu ích, góp phần cải tạo mạng lưới giao thông công cộng của Thành phố. Trong đề tài, các nhà khoa học đưa ý tưởng áp dụng mẫu phương tiện giao thông tramway cho mạng lưới giao thông vận tải hành khách công cộng Đà Nẵng. Tuyến đường thí điểm đầu tiên sẽ tranh thủ chính dự án di dời nhà ga và tuyến đường sắt hiện nay ra khỏi nội thị để thiết lập tuyến đường sắt dùng cho xe điện tramway chạy từ Nam Ô về ga Đà Nẵng cũ. Tại giao lộ giữa tuyến đường sắt với các con đường nhánh chủ yếu ở khu vực Thanh Khê, Liên Chiểu sẽ hình thành các trạm đỗ đón khách của loại xe điện này, tạo hành lang giao thông công cộng thay thế mạng lưới xe buýt dễ bị quá tải bởi địa hình giao thông khu vực tính đến năm 2020. Mẫu xe điện tramway được các nhà khoa học đề xuất là loại chạy bằng bánh sắt trên rãnh cố định, sàn thấp và có hai toa, sử dụng nhiên liệu sạch hoặc bằng điện, tốc độ phù hợp quy hoạch giao thông cho phép. Một hệ thống tuyến vận tải như vậy có giá thành đầu tư thấp hơn nhiều, trong khi năng lực vận tải cao hơn các loại hình xe buýt hoặc xe điện ngầm. Khi phối hợp cùng các loạt xe buýt sạch, sẽ tạo nên mạng lưới giao thông lan tỏa khép kín ra các khu dân cư, từ đó dự án sẽ góp phần giảm áp lực phương tiện cá nhân đường bộ rất cao. GS Bùi Văn Ga khẳng định: Nếu sớm được triển khai, dự án sẽ là một giải pháp tăng cường hiệu quả giao thông công cộng tại địa phương, nhất là khi tranh thủ thực hiện cùng dự án chỉnh trang khu đô thị dọc đường sắt cũ đi qua. Dự kiến đến tháng 9/2004, các nhà khoa học sẽ mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm trong khai thác vận tải loại hình tramway tổ chức một hội thảo lớn tại Đà Nẵng để tăng sức thuyết phục cho dự án, đồng thời tìm kiếm các nguồn đầu tư thỏa đáng.Hải Châu |
Đà Nẵng: Chi 140 triệu đồng để thí điểm xe chạy gas |
04:12′ 15/04/2005 (GMT+7) |
(VietNamNet)– TP Đà Nẵng hỗ trợ 140 triệu đồng triển khai đề tài xe máy chạy bằng gas và chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng xe điện tramway của GS Bùi Văn Ga Xe ô tô Greenbus đã được chuyển đổi nhiên liệu chạy bằng khí gas hoá lỏng LPG theo đề tài nghiên cứu khoa học của GS-TSKH Bùi Văn GaSau khi VietNamNet đưa tin về việc TP Đà Nẵng chủ trương hỗ trợ ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tế và khuyến khích sử dụng xe gắn máy chạy bằng gas, ngày 14/3, tin từ Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay: Lãnh đạo TP vừa quyết định duyệt tài trợ 140 triệu đồng từ ngân sách hỗ trợ triển khai đề tài khoa học xe gắn máy chạy bằng khí gas LPG hoá lỏng của GS-TSKH Bùi Văn Ga (Đại học Bách khoa Đà Nẵng). Số tiền này sẽ được dùng để sản xuất, lắp đặt các thiết bị chuyển đổi nhiên liệu trên 100 xe máy và 10 ô tô thí điểm đầu tiên trên địa bàn TP. Đồng thời, theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, các đơn vị hữu quan của địa phương sẽ có trách nhiệm hợp tác khuyến khích người dân hiểu rõ những lợi ích mà đề tài mang lại để tham gia chuyển đổi nhiên liệu cho các loại phương tiện giao thông trên địa bàn. Riêng Chi nhánh Gas Petrolimex Đà Nẵng sẽ xây dựng các điểm cấp gas thuận lợi cho xe máy để tạo điều kiện phục vụ nhu cầu của người dân. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng, đây là sự kiện mở đầu cho chương trình hợp tác liên kết của chính quyền TP với các nhà khoa học nhằm phát huy tối đa tài năng của đội ngũ trí thức vào công cuộc xây dựng, phát triển TP. Sau đề tài đầu tiên này, lãnh đạo TP sẽ tiếp tục xem xét tài trợ thêm nhiều đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học khác. Hiện Sở KH-CN Đà Nẵng đã nhận được 11 đề tài khoa học đăng ký nhận tài trợ của chính quyền TP. Tất cả các đề tài này đều gắn với các chương trình và lĩnh vực đầu tư kinh tế – xã hội của TP Đà Nẵng. Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng giao cho Sở Khoa học – Công nghệ tổ chức hội thảo chuyên đề về đề tài xây dựng hệ thống giao thông công cộng sử dụng xe điện Tramway. Đây cũng là một đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá xuất sắc của GS-TSKH Bùi Văn Ga. Được biết, để thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác với đội ngũ các nhà khoa học, TP Đà Nẵng đã thành lập một Tổ công tác chung giữa chính quyền TP với các cơ sở nghiên cứu khoa học trên địa bàn. Tổ công tác này có nhiệm vụ xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác 5 năm và hàng năm giữa chính quyền địa phương với các cơ sở nghiên cứu. Việc UBND TP Đà Nẵng quyết định tài trợ triển khai đề tài nghiên cứu khoa học của GS-TSKH Bùi Văn Ga cũng chính là kết quả đầu tiên từ hoạt động của tổ công tác này. Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng cũng vừa ban hành Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của TP đến năm 2010 và 2015, đồng thời đề nghị Viện khoa học công nghệ thành lập Phân viện Công nghệ thông tin trên địa bàn.Hải Châu |
Đà Nẵng khuyến khích xe máy chạy gas |
13:12′ 07/04/2005 (GMT+7) |
(VietNamNet)– UBND TP Đà Nẵng vừa chỉ đạo hỗ trợ triển khai ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học xe máy chạy bằng gas của GS-TSKH Bùi Văn Ga. GS-TSKH Bùi Văn Ga với chiếc xe máy đã được chuyển đổi từ chạy bằng xăng sang chạy bằng gasThực hiện chủ trương chủ động hợp tác với giới khoa học để tận dụng nguồn lực quan trọng này vào các chương trình phát triển của TP, ngày 4/4/2005, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn số 1819/UB-VP về việc hỗ trợ triển khai ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học xe máy chạy bằng gas của GS-TSKH Bùi Văn Ga (Đại học Đà Nẵng) vào thực tế. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường, Petro VN và GS-TSKH Bùi Văn Ga khảo sát, đề xuất chọn một số cửa hàng để lắp đặt các trạm cấp gas. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan đề xuất cụ thể mức hỗ trợ và số lượng xe máy cần hỗ trợ để chuyển đổi từ hệ thống cung cấp nhiên liệu xăng sang nhiên liệu gas. UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị, trong giai đoạn đầu, sẽ sử dụng Xưởng Thực nghiệm của Trường ĐH Bách khoa (thuộc ĐH Đà Nẵng) làm nơi sản xuất, chế tạo thiết bị chuyển đổi nhiên liệu. Khi nhu cầu sử dụng xe máy chạy bằng gas của người dân tăng cao, UBND TP sẽ xem xét cấp đất để xây dựng xưởng sản xuất, chế tạo loại thiết bị này.Hải Châu |
Đà Nẵng: Chuẩn bị sản xuất xe gắn máy… chạy ga |
13:36′ 08/01/2005 (GMT+7) |
(VietNamNet)– Đây là dự án vừa được Bộ GD-ĐT đồng ý cho Đại học Đà Nẵng triển khai nhằm gắn kết quả nghiên cứu khoa học với thực tế sản xuất GS TSKH Bùi Văn Ga với chiếc xe gắn máy đã được chuyển đổi nhiên liệu để chạy bằng gas.Bộ GD-ĐT vừa đồng ý cho Đại học Đà Nẵng triển khai dự án ươm tạo công nghệ đầu tiên với đề tài thiết kế, chế tạo bộ phụ kiện chuyển đổi xe gắn máy hai bánh sang chạy bằng gas hoá lỏng của GS TSKH Bùi Văn Ga, hiệu trưởng Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Đà Nẵng). Tổng kinh phí đầu tư cho dự án này là 500 triệu đồng. Đây là dự án nằm trong chương trình tạo dựng quan hệ giữa nghiên cứu khoa học ở các trường đại học với thực tế sản xuất do Bộ GD-ĐT chủ trì. Ba đối tác chính của Đại học Đà Nẵng ở dự án này là Công ty Cơ khí ô-tô và thiết bị điện Đà Nẵng (có nhiệm vụ chế tạo, lắp đặt, bảo trì sản phẩm), Chi nhánh Gas Petrolimex Đà Nẵng (cung cấp gas thử nghiệm, xây dựng hệ thống nạp gas nhiên liệu cho người tiêu dùng) và Công ty cổ phần thương mại – kỹ thuật Đà Nẵng (đảm nhận việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm). Các nhà khoa học của Đại học Đà Nẵng sẽ giữ vai trò chính trong việc tiếp tục đánh giá, nghiên cứu việc chuyển đổi nhiên liệu ở các xe gắn máy ứng dụng công nghệ mới này. GS TSKH Bùi Văn Ga cho biết: Dự án nghiên cứu khoa học của ông xuất phát từ năm đề tài trọng điểm cấp Bộ và cơ bản cấp Nhà nước đã được nghiệm thu và cấp bằng sáng chế lâu nay, xoay quanh việc chuyển đổi nhiên liệu khí gas hoá lỏng ở động cơ xe máy. Sản phẩm chủ yếu là bộ phận phụ kiện chuyển đổi nhiên liệu xe máy đã được nghiên cứu hoàn hảo, độ an toàn cao, không thay đổi cấu trúc phương tiện, nâng cao hiệu suất sử dụng, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Nhưng do thiếu nguồn tài trợ ứng dụng nên gần hai năm qua, đề tài vẫn chưa thể đi vào cuộc sống. Nếu dự án mà Bộ GD-ĐT vừa đồng ý cho Đại học Đà Nẵng triển khai được thực hiện đúng tiến độ, Đà Nẵng sẽ sản xuất thành công xe gắn máy chạy bằng gas trong năm 2005 để bắt đầu quảng bá trên thị trường từ tháng 6/2006. Được biết, cuối tháng 12/2004 vừa qua, GS TSKH Bùi Văn Ga đã được trao giải thưởng chuyên gia khoa học năm 2003 của Hiệp hội các Trường đại học Cộng đồng Pháp ngữ (AUF). Đây là giải thưởng thường niên của AUF dành cho các tiến sĩ khoa học trong vòng mười năm được đào tạo trong Cộng đồng Pháp ngữ, có nhiều thành tích đặc biệt ở các lĩnh vực khoa học, y tế, văn chương và quản lý. GS Bùi Văn Ga được vinh dự là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này sau khi AUF xét chọn giữa các nhà khoa học ở 53 quốc gia thuộc khối Cộng đồng Pháp ngữ. Các công trình khoa học của ông trong 10 năm được cấp bằng tiến sĩ khoa học tại Pháp đang được ứng dụng vào các dự án bảo vệ môi trường ở Đại học Đà Nẵng và một số cơ sở, điển hình là các công trình về chuyển đổi nhiên liệu dùng cho động cơ xe gắn và ô tô. GS Bùi Văn Ga còn trực tiếp tham gia đào tạo đến bằng tiến sĩ cho nhiều cán bộ khoa học được các trường đại học trong Cộng đồng Pháp ngữ công nhận. Trước đây, GS Bùi Văn Ga cũng đã nhận được giải thưởng Cành cọ vàng của Viện Hàn lâm Cộng hoà Pháp.Hải Châu |