Giới thiệu, Giới thiệu

Ý kiến người sử dụng động cơ Biogas

 

Ý KIẾN CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC

VÀ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG

SẢN PHẨM GATEC

 1. Ông Đinh Văn Thiệu, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học-Công nghệ Tỉnh Thái Nguyên
Phong trào xây dựng hầm biogas phát triển rất rầm rộ ở Tỉnh Thái Nguyên để xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường. Lâu nay bà con chỉ dùng biogas để đun nấu. Một số hộ mua máy điện chạy bằng biogas của Trung Quốc và máy do Công ty Khí sinh học Hùng Vương lắp. Khi sử dụng bà con thấy các loại máy này có nhiều nhược điểm như khó khởi động, điện áp không ổn định, khi tăng tải, động cơ chết máy… Mặt khác động cơ chỉ chạy được bằng biogas nên rất bất tiện khi mất điện mà không còn biogas trong hầm để chạy máy.

Khi nghe Giáo sư Bùi Văn Ga ở Đà Nẵng đã sáng chế ra bộ phụ kiện cho phép cải tạo động cơ có sẵn chạy bằng xăng dầu sang chạy bằng hai nhiên biogas/xăng hay biogas/diesel, Trung tâm chúng tôi đã cử đoàn cán bộ vào xin được chuyển giao công nghệ. Các cán bộ của Đại học Đà Nẵng đã hướng dẫn chúng tôi cách lắp đặt, vận hành bộ phụ kiện. Nhờ đó, chúng tôi đã lắp đặt được 16 bộ phụ kiện

chuyển đổi nhiên liệu cho động cơ xăng sang chạy bằng biogas. Đại học Đà Nẵng cũng cung cấp cho chúng tôi bộ lọc H2S. Sau khi qua lọc, biogas không còn mùi hôi.

Sau thời gian học tập kinh nghiệm dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Đại học Đà Nẵng, nay cán bộ Trung tâm của chúng tôi đã nắm được qui trình lắp ráp và vận hành bộ phụ kiện chuyển đổi nhiên liệu biogas cho động cơ xăng. Các máy chúng tôi đã lắp đặt đến nay vận hành tốt, bà con nông dân rất hài lòng.
Chủ trương của chúng tôi là phổ biến công nghệ ứng dụng biogas để phát điện theo công nghệ của Đại học Đà Nẵng đến tất cả các trang trại có sản xuất biogas trong toàn tỉnh. Sắp tới chúng tôi sẽ đặt vấn đề với nhóm Nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng chuyển giao công nghệ chuyển đổi động cơ Diesel sang chạy bằng biogas.
2. Ông Nguyễn Bâng, Trại chăn nuôi Quế Xuân, Quế Sơn, Quảng Nam

Cách đây 6-7 tháng, qua phương tiện thông tin đại chúng tôi biết được Thầy Ga ở Đại học Đà Nẵng đang triển khai chương trình giúp bà con nông dân chuyển động cơ xăng dầu sang chạy bằng biogas. Tôi rất quan tâm đến chương trình này và đã đặt vấn đề nhờ Thầy Ga giúp lắp đặt cho trang trại tôi một bộ phụ kiện. Từ đó đến nay, máy phát điện biogas của tôi chạy rất tốt. Nhờ có nó, trang trại tiết kiệm đáng kể tiền điện, xăng dầu. Trước đây khi chưa có máy điện biogas, trang trại phải sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu thường xuyên vì điện lưới ở vùng nông thôn không ổn định lại hay bị mất điện gây ảnh hưởng đến sản xuất. Chi phí nhiên liệu cho máy phát điện chạy dầu rất cao.
Nhiều bà con các địa phương lân cận rất quan tâm đến máy phát điện biogas tôi đang sử dụng và nhờ tôi giới thiệu với Thầy Ga để giúp đỡ chuyển đổi động cơ của họ sang chạy bằng biogas.
Nhân dịp này tôi xin cảm ơn nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng đã giúp đỡ cho chúng tôi được tiếp cận với công nghệ thiết thực này. Tôi rất mong Đại học Đà Nẵng tiếp tục triển khai chương trình này rộng rãi hơn để giúp bà con nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.
3. Ông Nguyễn Thế Hà, Công ty Nam Khánh Tỉnh Thanh Hoá
Công ty chúng tôi quan tâm đến công nghệ chuyển đổi động cơ chạy bằng xăng dầu sang chạy bằng biogas của Giáo sư Ga từ rất sớm và hiện nay chúng tôi là đơn vị liên kết với nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng để triển khai dự án lắp đặt bộ phụ kiện chuyển đổi nhiên liệu cho máy phát điện ở Tỉnh Thanh Hoá.
Trước hết tôi xin thay mặt cho bà con nông dân đã áp dụng công nghệ máy phát điện biogas của Tỉnh Thanh Hoá cám ơn nhóm nghiên cứu động cơ biogas của Đại học Đà Nẵng đã giúp chúng tôi 5 bộ phụ kiện miễn phí. Các máy phát điện sử dụng bộ phụ kiện này từ khi lắp đặt đến nay hơn nửa năm vẫn chạy tốt. Mỗi máy giúp bà con tiết kiệm được từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ý nghĩa kinh tế, giải pháp máy phát điện chạy bằng biogas còn giúp chúng ta giảm phát thải CO2 vào khí quyển.
Công ty chúng tôi luôn mong muốn phát triển công nghệ mới, hướng tới những giải pháp mang tính bền vững. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn Đại học Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghệ ứng dụng biogas để phát điện ở Tỉnh Thanh Hoá.
4. Ông Lê Viết Nghĩa, Trung tâm năng lượng và môi trường Buôn Mê Thuột, Darlak
Trung tâm chúng tôi chuyên xây hầm biogas và phổ biến công nghệ ứng dụng khí biogas trong sản xuất và đời sống. Trước đây chúng tôi có phổ biến khoảng 20 máy phát điện biogas cỡ nhỏ của Trung Quốc có công suất khoảng từ 1 đến 5 kW. Khi nghe Đại học Đà Nẵng đã phát minh công nghệ chuyển đổi động cơ sử dụng xăng dầu sang chạy bằng biogas, tôi đã đích thân xuống Đà Nẵng để tham quan và đăng ký chuyển đổi 2 động cơ. Hai động cơ này đến nay vẫn hoạt động rất tốt. Trang trại nuôi 200 con lợn, mỗi ngày chạy động cơ biogas 4 đến 5 giờ xay được từ 2,5 đến 5 tấn bắp làm thức ăn gia súc, giảm đáng kể chi phí điện phục vụ sản xuất.
Người sử dụng rất hài lòng với công nghệ của Đại học Đà Nẵng. So với các động cơ biogas Trung Quốc thì công nghệ của Đại học Đà Nẵng ưu việt hơn nhiều. Đặc biệt là khi hết biogas, máy phát điện có thể chạy bằng dầu bình thường như trước khi cải tạo. Đây là ưu điểm rất lớn của công nghệ Đại học Đà Nẵng.
Chúng tôi mong muốn Đại học Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ triển khai công nghệ sản xuất điện năng bằng biogas rộng rãi ở vùng Tây Nguyên.



5. Ông Mai Tấn Triển, Giám Đốc Công ty Chăn Nuôi Nhơn Sơn, Hoà Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng
Cảm ơn Đại học Đà Nẵng đã mời chúng tôi đến tham dự hội nghị bổ ích này. Cách đây hơn một năm, chúng tôi được nhóm nghiên cứu Đại học Đà Nẵng giúp đỡ cải tạo máy phát điện dự phòng chạy bằng diesel của trang trại chúng tôi sang chạy bằng biogas. Công nghệ đầu tiên này (GATEC19) chỉ cho phép động cơ chạy được bằng biogas nên hơi bất tiện, nhất là khi hết biogas mà gặp sự cố mất điện, trang trại không có máy phát dự phòng. Cách đây hơn nửa năm, nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng giúp chúng tôi lắp lại bộ phụ kiện mới (GATEC20). Bộ phụ kiện mới này có ưu điểm nổi bật so với bộ phụ kiện cũ, điện áp máy phát ổn định hơn, đặc biệt là động cơ có thể chạy vừa bằng biogas, vừa bằng dầu nên trang trại hoàn toàn yên tâm không sợ sự cố mất điện như trước đây.
Không nghi ngờ gì về lợi ích của công nghệ sản xuất điện năng bằng biogas mang lại. Động cơ biogas của trang trại chúng tôi ngày nào cũng chạy 8 giờ, tính bình quân mỗi ngày chúng tôi tiết kiệm được khoảng 200.000 đồng tiền điện và nhiên liệu. Mỗi tháng tiết kiệm được 4 đến 5 triệu đồng, rất đáng kể đối với các trang trại chăn nuôi như chúng tôi. Ngoài lợi ích về kinh tế, có máy phát điện biogas, chúng tôi có nguồn điện miễn phí ổn định hơn nhiều so với điện áp lưới. Điều này giúp cho năng suất lao động của trang trại tăng đáng kể.
Trang trại của chúng tôi có khả năng tăng sản lượng biogas cao hơn nhiều so với hiện nay. Nếu chỉ dùng để phát điện phục vụ sản xuất ở trang trại thì lượng biogas thừa sẽ rất lớn. Vì vậy chúng tôi có mong muốn nhóm nghiên cứu Đại học Đà Nẵng tiếp tục phát triển công nghệ nén biogas vào bình chứa để lưu trữ và phục vụ cho nhiều mục đích khác.
Hiệu quả tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường của giải pháp phát điện bằng biogas là rất rõ rệt. Nhơn Sơn là trại chăn nuôi heo nái và gà qui mô lớn. Do ở xa thành phố nên điện áp lưới thường xuyên thấp làm cho các thiết bị máy móc đảm bảo ổn định nhiệt độ của trại bị ảnh hưởng. Mặt khác khu vực trại thường xuyên bị mất điện lưới khiến cho hoạt động của trại rất khó khăn. Chúng tôi rất cám ơn Toyota và nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng đã hỗ trợ cho trang trại chúng tôi chuyển đổi 2 động cơ dự phòng sang chạy bằng biogas từ năm 2008. Gần 2 năm hoạt động, các động cơ này chạy rất tốt, điện áp luôn ổn định.
Để việc cung cấp điện được thuận tiện, chúng tôi đã đặt vấn đề với nhóm nghiên cứu lắp đặt cho trại một động cơ cỡ trung 20kW. Từ hai tháng nay, ngày nào chúng tôi cũng sử dụng động cơ này để phát điện, trung bình khoảng 8 giờ hoạt động mỗi ngày, giúp cho trang trại tiết kiệm được hàng triệu đồng năng lượng mỗi tháng. Hiện nay 80% điện năng sử dụng tại trang trại chúng tôi do nguồn biogas cung cấp. Mô hình phát điện biogas với công nghệ GATEC thực sự là giải pháp hữu hiệu giúp cho trang trại có được nguồn điện ổn định để sản xuất. Chất thải sau khi sản xuất biogas dùng làm phân bón rất tốt, giải quyết được vấn đề môi trường. Vì vậy chúng tôi rất mong Toyota và nhóm nghiên cứu Đại học Đà Nẵng sớm nhân rộng và phổ biến giải pháp này rộng rãi trong cả nước.
Để đảm bảo độ tin cậy của hoạt động của hệ thống, nhóm nghiên cứu nên chế tạo túi chứa khí bằng vật liệu bền hơn. Hiện nay sử dụng túi chứa khí bằng nilong, thỉnh thoảng bị chuột cắn
6. TS. Hồ Tấn Quyền, Giám đốc Trung tâm phân tích-kiểm định và tư vấn Khoa học-Công nghệ Quảng Nam
          Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, Tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương phát triển mô hình hầm biogas dưới dạng các mô đun 20m3. Trung tâm chúng tôi hiện đang phát động các chủ trang trại ứng dụng công nghệ máy phát điện chạy bằng biogas. Truớc mắt Tỉnh đã phê duyệt dự án thí điểm chuyển đổi hai máy phát điện công suất khoảng 60kVA sang chạy bằng biogas với công nghệ của Đại học Đà Nẵng. Từ kết quả của mô hình thí điểm này, chúng tôi sẽ nhân rộng

ra trong phạm vi toàn Tỉnh.
Sử dụng biogas làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong là giải pháp thỏa mãn đồng thời ba lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội. Nhóm nghiên cứu đã triển khai một cách bài bản và có hệ thống việc ứng dụng biogas làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong từ nghiên cứu lý thuyết, mô hình hóa và ứng dụng trong thực tiễn.
Hiện nay nhân dân ở các địa phương triển khai rộng rãi mô hình chăn nuôi tập trung. Vì vậy việc sản xuất biogas sẽ trở nên thuận tiện hơn. Nếu trước đây việc chăn nuôi diễn ra ở từng hộ cá thể việc sử dụng động cơ phát điện cỡ nhỏ phù hợp thì nay ở các trang trại chăn nuôi tập trung, việc ứng dụng biogas trên các động cơ cỡ lớn phù hợp hơn.
          Thời gian vừa qua, nhờ sự hỗ trợ của đề tài độc lập cấp nhà nước, nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng đã triển khai lắp đặt khá nhiều động cơ biogas cỡ nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Các động cơ này hoạt động tốt. Người dân rất phấn khởi, tiết kiệm được kinh phí nhiên liệu, nhất là giai đoạn mất điện kéo dài.
          Hiện nay Trung tâm của chúng tôi đang nhận được 7 đơn đặt hàng của bà con nông dân về lắp đặt động cơ biogas, trong đó có 1 động cơ 20kVA và 1 động cơ 10kVA. Số còn lại là động cơ cỡ nhỏ. Rất mong nhóm nghiên cứu sớm có kế hoạch lắp đặt cho bà con vì theo dự báo sắp tới tình hình cúp điện vẫn kéo dài.
          Chúng tôi rất mong muốn Đại học Đà Nẵng phát triển công nghệ sản xuất điện năng bằng biogas ở Tỉnh Quảng Nam.

7. TS. Nguyễn Ngọc Linh, Phó Tổng Giám Đốc ISAMCO, Thành phố Hồ Chí Minh
Về mặt nguyên lý khi chuyển đổi động cơ đánh lửa cưỡng bức sang chạy bằng biogas, kết cấu động cơ không có thay đổi gì lớn.
Khi chuyển đổi động cơ diesel sang chạy bằng biogas, nguyên lý của quá trình cháy thay đổi vì vậy công nghệ chuyển đổi trở nên phức tạp hơn. Khi chuyển đổi động cơ diesel sang chạy bằng CNG, người ta phải cải tạo buồng cháy.
Ở đây nhóm nghiên cứu của Giáo sư Bùi Văn Ga đã tìm được bí quyết chuyển đổi động cơ diesel sang chạy bằng biogas mà không thay đổi kết cấu động cơ. Vì vậy động cơ vẫn có thể chạy được bằng dầu như trước khi cải tạo. Đây là sáng tạo độc đáo, rất mới mẻ.
8. Ông Hoàng Quốc Duy, Giám Đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Miền Trung, Nha Trang

Thời gian qua nhờ sự hỗ trợ của cán bộ nhân viên nhóm nghiên cứu Động cơ nhiên liệu khí-Đại học Đà Nẵng, đã giúp Công ty chúng tôi lắp máy sản xuất điện năng bằng biogas, cho đến nay máy vẫn hoạt động tốt. Đây là một thành công mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tiết kiệm điện năng, giảm chi phí sản xuất, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi mong muốn rằng việc sản xuất điện năng qui mô nhỏ bằng biogas sẽ được Đại học Đà Nẵng nhân rộng ra trong phạm vi toàn quốc, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tiết kiệm năng lượng đồng thời bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
9. Trần Văn Uýnh, Giám đốc Công ty ứng dụng Khoa học-Công nghệ Hoàng Trần, Thành phố Hồ Chí Minh
Trước đây Công ty chúng tôi đã phổ biến công nghệ chuyển đổi động cơ xăng dầu sang chạy bằng biogas do các nhóm nghiên cứu phía Nam thực hiện nhưng không thành công. Thời gian gần đây, qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi biết có nhóm nghiên cứu động cơ biogas của Đại học Đà Nẵng triển khai có hiệu quả đề tài này nên chúng tôi đã tìm đến và đặt vấn đề hợp tác triển khai tại Vũng Tàu. Cụm 4 động cơ đầu tiên được lắp đặt tại Trại chăn nuôi Minh Nghĩa. Kết quả rất khả quan, lượng dầu tiêu thụ chỉ còn 15% so với khi chạy bằng diesel, mỗi tháng công ty tiết kiệm được hơn 21 triệu đồng tiền nhiên liệu. Tiếp theo đó, nhóm nghiên cứu cũng đã lắp đặt hơn 10 động cơ khác trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 17-9-2010 vừa qua, Sở Khoa học Công Nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức đánh giá để nhân rộng mô hình. Qua khảo sát thực tế và kết quả thử nghiệm hội đồng đánh giá cao công nghệ GATEC và chấp nhận đưa vào các dự án hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn.
          Trên địa bàn Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có hơn 200 trang trại chăn nuôi tập trung. Phần lớn các trang trại này đã biết được tính hiệu quả của công nghệ GATEC và đặt vấn đề với chúng tôi triển khai ứng dụng. Vì vậy chúng tôi mong muốn Toyota Việt Nam tiếp tục hỗ trợ nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng để nhóm có thể triển khai lắp đặt động cơ biogas ở Vũng Tàu trong thời gian sắp tới.
10. Tô Văn Hậu (Nha Trang)
Trại chăn nuôi của tôi hơi xa thành phố nên nguồn điện cung cấp không ổn định. Qua phương tiện thông tin đại chúng tôi biết được Đại học Đà Nẵng đang triển khai công nghệ sử dụng biogas để phát điện trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp Nhà Nước. Tôi đã được nhóm nghiên cứu lắp đặt cho một động cơ 3kW. Hơn 6 tháng qua máy chạy rất tốt. Trang trại tôi thường xuyên chạy 6 giờ mỗi ngày, đảm bảo điện năng cho hoạt động của trang trại. Vừa rồi máy bị hỏng IC đánh lửa. Thợ máy địa phương do không chuyên động cơ biogas đến sửa không điều chỉnh được hệ thống gas nên chạy không ổn định. Nhân dịp ra dự hội thảo này, tôi mang chiếc máy ra để nhờ nhóm nghiên cứu chỉnh sử lại để mang về sử dụng tiếp.

 
11. Lê Văn Thả (Bình Định)
Sự cạnh tranh để giảm giá thành sản phẩm đang ngày càng trở nên gay gắt trong sản xuất nông nghiệp. Các trang trại chăn nuôi của Tỉnh Bình Định đang ráo riết tìm các giải pháp giảm giá thành đầu vào. Tiết kiệm chi phí năng lượng là giải pháp mà các trang trại nghĩ đến đầu tiên. Chúng tôi biết nhóm nghiên cứu Đại học Đà Nẵng đang triển khai công nghệ sản xuất điện năng bằng biogas nên ra đây tìm hiểu và đặt vấn đề hợp đồng với nhóm nghiên cứu vào Bình Định thực hiện việc chuyển đổi 5 động cơ cỡ lớn cho các trang trại ở Bình Định. Rất mong nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng để triển khai chương trình lắp đặt động cơ biogas ở địa phương
12. TS. Trần Văn Quang, Trưởng Khoa Công Nghệ Môi Trường, Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng
Lợi ích của công nghệ phát điện bằng biogas rất rõ rệt, không cần bàn cãi. Vừa rồi chúng tôi có tổ chức hội thảo về công nghệ môi trường với các đối tác Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp Nhật rất quan tâm đến công nghệ GATEC. Để hệ thống vận hành tốt hơn, chúng ta cần quan tâm nghiên cứu hoàn thiện hầm biogas và công nghệ sản xuất biogas. Hầm biogas cổ điển có bất lợi là phải lấy bã ra. Điều này rất khó khăn và đôi khi phải phá dỡ hầm. Công nghệ lên men khô có thể khắc phục vấn đề này.
13. PGS.TS. Nguyễn Đình Lâm, Trưởng Bộ Môn Công nghệ Dầu khí, Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng
Chiến lược về nhiên liệu của nước ta là đến năm 2020 sẽ sử dụng 5% nhiên liệu sinh học. Việc nghiên cứu sản xuất và ứng dụng biogas là bước đi phù hợp với chiến lược này. Nhóm nghiên cứu đã phát triển công nghệ ứng dụng biogas trên động cơ phát điện một cách có bài bản và hệ thống. Các nghiên cứu cơ bản về động cơ và cung cấp nhiên liệu giúp cho ta hiểu tường tận hơn quá trình lý hóa diễn ra trong động cơ khi sử dụng biogas làm nhiên liệu. Điều này cho phép chúng ta điều chỉnh động cơ phù hợp để tăng hiệu quả công tác. Tuy nhiên kết quả mô phỏng bằng phần mềm FLUENT nên được đánh giá bằng số liệu thực nghiệm. Vấn đề lọc H2S cần được thực hiện chặt chẽ để đảm bảo tuổi thọ động cơ

14. ThS. Nguyễn Quân, Trưởng Khoa Cơ Khí, Trường Cao Đẳng Công Nghiệp Huế
Sử dụng năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Chúng tôi rất hoan nghênh Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng phát triển công nghệ ứng dụng biogas để chạy máy phát điện ở nông thôn. Giải pháp này ngoài lợi ích tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, đó là giúp bà con vùng sâu, vùng xa có nguồn điện tại chỗ để sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tôi rất mong dự án hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hộ nông dân có nhu cầu ở Tỉnh Thừa Thiên-Huế.
15. TS. Dương Việt Dũng,  Trưởng Khoa Cơ khí Giao Thông, Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng
Biogas là nguồn nhiên liệu như khí thiên nhiên. Nếu chúng ta có biện pháp lưu trữ hiệu quả thì nó sẽ trở thành nguồn năng lượng quan trọng ở nước ta, nơi có hơn 80% dân số sống ở nông thôn. Chúng tôi rất hoan nghênh Toyota Việt Nam đã hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu để triển khai thí điểm công nghệ chuyển đổi động cơ xăng dầu sang chạy bằng biogas. Trường Đại học, nơi nghiên cứu phát triển ra công nghệ nhưng việc đưa công nghệ đó vào cuộc sống cần sự hỗ trợ của cộng đồng, của doanh nghiệp. Toyota là doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động này, được công chúng đánh giá cao. Trong 2 năm thí điểm vừa qua, nhóm nghiên cứu dựa vào động cơ có sẵn của người sử dụng để cải tạo sang chạy bằng biogas. Chất lượng của những động cơ này rất đa dạng, có cái còn tốt nhưng có cái rất cũ nên việc cải tạo rất khó khăn. Vì vật nếu Toyota hỗ trợ mạnh hơn nữa để người dân có thể đảm bảo được tình trạng kỹ thuật của động cơ trước khi cải tạo thì việc áp dụng công nghệ GATEC sẽ hiệu quả hơn.

 
16. Pascal CHARMETTE, thực tập sinh ParisTech tại Đà Nẵng
Tôi đang thực tập tại Đà Nẵng về năng lượng tái tạo. Tôi quan tâm về năng lượng biogas và năng lượng mặt trời. Công nghệ phát điện bằng biogas do nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng phát triển rất có ích. Nó có thể áp dụng được từ những trang trại nhỏ đến những trang trại lớn để góp phần tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
17. Nguyễn Văn Đức, Giảng viên Khoa Môi trường
Sử dụng biogas để tạo điện năng sẽ khuyến khích người dân, đặc biệt là chủ các trang trại chăn nuôi tận dụng chất thải để sản xuất năng lượng. Để có thể thiết lập được mô hình hoàn chỉnh, chúng ta cần xử lý nước thải sau hầm biogas để giảm thiểu mùi hôi
18. Mai Đại Cương, Công ty cung ứng vật tư dầu khí Đà Nẵng
Công nghệ ứng dụng biogas để phát điện mà nhóm nghiên cứu đã triển khai đã đuợc hoàn thiện và áp dụng tốt. Nhóm nghiên cứu cũng nên đầu tư vào việc lọc biogas để hạn chế tối ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là việc xử lý H2S khi tái sinh cột lọc.
19. PGS.TS. Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia Công ty Ô tô Trường Hải
Tôi thật sự có ấn tượng kết quả nghiên cứu của đề tài này. Xưa nay thường mỗi đề tài chỉ làm phần lý thuyết hay phần ứng dụng. Đề tài này đã thực hiện một nghiên cứu hết sức bài bản và thuyết phục: đi từ lý thuyết đến mô hình hóa, chế tạo thực nghiệm và ứng dụng trong thực tiễn. Tôi đánh giá cao những kết quả mà nhóm nghiên cứu đã đạt được.
          Kết quả nghiên cứu cho thấy động cơ có thể hoạt động với thành phần CH4 trong biogas thấp. Nhưng để lưu trữ được biogas trên phương tiện vận chuyển nhóm nghiên cứu nên đề xuất công nghệ làm giàu biogas. Mặt khác, sử dụng biogas làm nhiên liệu không làm tăng nồng độ CO2 trong bầu khí quyển nhưng cũng cần đo đạc mức độ phát thải của những chất ô nhiễm khác trong khí thải động cơ. Bài toán kinh tế cũng cần nêu rõ thời gian thu hồi vốn đầu tư bổ sung cho động cơ biogas để người sử dụng yên tâm lắp đặt. Đây là công nghệ rất cần thiết để tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường. Tôi đề nghị nhóm nghiên cứu nên phổ biến rộng rãi cho các nhà nghiên cứu ở các trường đại học để nhân rộng.
20. TS. Nguyễn Anh Thi, Phó Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
          Kết quả nghiên cứu rất thuyết phục. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài một cách rất khoa học. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, nhóm đã đề xuất mục tiêu đề tài trên cơ sở đó thực hiện các nghiên cứu hoàn chỉnh cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm.
          Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh mới đây cũng thành lập nhóm nghiên cứu động cơ sử dụng nhiên liệu thay thế. Sự trao đổi học thuật, kết quả nghiên cứu sẽ giúp cho nhóm này đúc kết được kinh nghiệm, tiết kiệm được thời gian và công sức.
21. TS. Trần Văn Long, Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
 
Tiếp theo phát biểu của Anh Thi, tôi xin phép được trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu động cơ sử dụng biogas mà nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được. Hiện tại chúng tôi đã lắp đặt xong cụm động cơ-máy phát điện. Độngc ơ sử dụng hệ thống đánh lửa trực tiếp và máy phát điện được cải tạo để thực hiện đồng thời nhiệm vụ của thiết bị đo momen.
          Nhiệm vụ sắp tới của chúng tôi là tiến hành thí nghiệm. Những kết quả đã đạt được của nhóm nghiên cứu động cơ biogas của Đại học Đà Nẵng là tài liệu tham khảo rất tốt cho chúng tôi trong xác định các thông số vận hành động cơ, chuẩn bị nhiên liệu và thành phần hỗn hợp.
 
 22. TS. Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Đà Nẵng
          Đề tài phù hợp với hướng ưu tiên nghiên cứu hiện nay, đó là nghiên cứu công nghệ sử dụng nhiên liệu thay thế để hạn chế sự lệ thuộc vào dầu mỏ, góp phần bảo vệ môi trường. Hướng đi của đề tài rất khoa học, nội dung nghiên cứu phong phú, tập trung nghiên cứu chuyên sâu cả lý thuyết lẫn thực nghiệm đối với một đối tượng cụ thể. Việc tổ chức, phân công nghiên cứu cũng rất cụ thể và rõ ràng. Điều này rất hiếm thấy đối với những đề tài nghiên cứu khác. Các sản phẩm của đề tài có hàm lượng khoa học cao và có tính ứng dụng rõ rệt. Đề tài cũng đã triển khai lắp đặt thí điểm các động cơ biogas và được người sử dụng đánh giá cao.
          Để tăng hiệu quả sử dụng, đề tài nên nghiên cứu thêm các giải pháp làm giàu biogas. Hiệu quả của công nghệ đối với môi trường là rõ rệt. Nhóm nghiên cứu cần làm rõ hơn hiệu quả kinh tế.
          23. Ông Hoàng Hữu Hòe, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thừa Thiên-Huế
          Cám ơn Ban chủ nhiệm đề tài đã có nhã ý mời chúng tôi đến tham dự hội thảo. Những thông tin tích lũy được qua hội thảo rất bổ ích đối với cá nhân tôi và cho ngành Nông nghiệp Tỉnh Thừa Thiên-Huế. Công nghệ sử dụng biogas để chạy động cơ do nhóm nghiên cứu phát triển rất thiết thực cả về phương diện kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Thời gian qua, dự án Khí sinh học do Hà Lan tài trợ đã giúp bà con nông dân xây được rất nhiều hầm biogas. Có những hầm công suất lớn, nhất là ở các hộ chăn nuôi. Sản lượng biogas sinh ra vượt nhu cầu đun nấu vì vậy các hộ dân này thường phải xả bỏ, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa nguy hiểm do cháy nổ. Phương án sủa dụng biogas để chạy động cơ phát điện rất thiết thực, tận dụng được nguồn biogas này để sản xuất điện, tiết kiệm chi phí. Báo cáo cho thấy cứ mỗi m3 biogas có thể sản xuất được 1kWh điện đối với động cơ đánh lửa cưỡng bức còn đối với động cơ nhiên liệu kép thì tiết kiệm được trên 80% chi phí nhiên liệu nếu chạy bằng diesel. Hiệu quả kinh tế vì vậy rất rõ rệt.
          Nhà nước ta đang có chủ trương sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Đề tài của GS. Ga vì vậy có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Chúng tôi sẽ phổ biến thông tin về công nghệ này để triển khai ứng dụng tại Tỉnh Thừa Thiên-Huế.
 24. Ông Lê Văn Huệ, Sở Công Thương Tỉnh Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam có tham gia chương trình Khí sinh học và hiện đang triển khai nhiều giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Trên địa bàn của Tỉnh hiện nay có nhiều vùng chưa có điện lưới. Việc kéo điện lưới về những vùng này rất tốn kém nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Điều này gây khó khăn trong thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Tỉnh.
Tôi rất tâm đắc kết quả nghiên cứu của đề tài. Công nghệ này nếu được ứng dụng tại những vùng như tôi vừa nêu sẽ giúp chúng tôi xử lý được vấn đề khó khăn về điện ở nông thôn. Sở Công Thương sẽ tập hợp địa chỉ những vùng chưa có điện và đã có các hầm biogas để giới thiệu cho nhóm nghiên cứu triển khai ứng dụng.
25. TS. Huỳnh Thành Công, Trường Đại học Bách Khoa- Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh
          Việc sản xuất biogas ở nước ta hiện nay rất phân tán, khó có thể tập trung để đạt được mức sản xuất ở qui mô công nghiệp. Vì vậy nên xây dựng bản đồ phân bố năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn quốc để có thể định hướng tập nguyên liệu cho sản xuất biogas.
          Do sản xuất phân tán nên có nhiều nơi lượng biogas không được sử dụng hết phải thải bỏ ra khí quyển. Điều này gây nguy hiểm và làm tăng chất khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển (khí CH4 có khả năng gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn CO2)
26. Ông Nguyễn Thế Hà, Giám Đốc Công ty Nam Khánh, Thanh Hóa
          Tôi muốn chia sẻ với hội nghị kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ GATEC trên địa bàn Tỉnh Thanh Hóa. Nhiều năm nay, Công Ty Nam Khánh của chúng tôi đã phối hợp với nhóm nghiên cứu của GS. Ga để triển khai công nghệ này ở địa phương. Được nhóm nghiên cứu chuyển giao công nghệ, Công ty chúng tôi đã triển khai lắp đặt gần 50 động cơ nhiên liệu kép biogas-diesel với bộ phụ kiện GATEC 20. Hiệu quả kinh tế rất rõ rệt. Một động cơ trước đây tiêu thụ 10 lít dầu mỗi ngày thì khi áp dụng công nghệ này mỗi ngày chỉ tiêu tốn chưa tới 2 lít với cùng công suất phát điện.
          Người sử dụng trên địa bàn Thanh Hóa đánh giá rất cao hiệu quả của công nghệ GATEC. Những chiếc máy đầu tiên áp dụng công nghệ này đến nay vẫn hoạt động tốt. Chúng tôi vừa ký hợp đồng với 20 hộ gia đình có hầm biogas để lắp đặt động cơ biogas-xăng với bộ phụ kiện GATEC 21. Chúng tôi tin tưởng rằng công nghệ GATEC sẽ nhanh chóng được phát triển, giúp nhân dân vùng nông thôn khắc phục được tình trạng thiếu điện năng phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường.
27. Ý kiến tại các hội thảo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
 
          Ban chủ nhiệm đề tài đã tham gia giới thiệu sản phẩm nghiên cứu tại các hội thảo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn các tỉnh Miền Trung và ở Vũng Tàu. Các đại biểu tham dự hội thảo đều rất quan tâm đến công nghệ GATEC, cho đây là giải pháp thiết thực để thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Qua các hội thảo này, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận nhu cầu của người sử dụng và tiến hành lắp đặt thí điểm động cơ biogas.
28. Ý kiến của những người sử dụng qua phỏng vấn truyền hình
          Các Đài truyền hình VTV2, DRT, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng DVTV đã thực hiện các phóng sự về máy phát điện chạy bằng biogas. Các đài Truyền hình cũng đã phỏng vấn những người sử dụng công nghệ GATEC. Tất cả ý kiến đều cho rằng hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, tính năng kỹ thuật của hệ thống chuyển đổi động cơ nhiên liệu lỏng sang chạy bằng biogas đảm bảo chất lượng. Giải pháp công nghệ này đã giúp cho vùng nông thôn khắc phục được khó khăn về nguồn điện để sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.