Công ty cổ phần Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ VIBATECH (TP Ðà Nẵng) vừa lắp đặt và vận hành thành công máy phát điện chạy bằng khí biogas đầu tiên tại Bình Ðịnh. Ðây là công nghệ do GS-TSKH Bùi Văn Ga (hiện là Thứ trưởng Bộ GD-ÐT) cùng các cộng sự tại Ðại học Bách khoa Ðà Nẵng nghiên cứu, sử dụng biogas làm nhiên liệu thay thế xăng dầu chạy động cơ điện phục vụ chăn nuôi và góp phần bảo vệ môi trường.
Ở nhiều nơi trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, phong trào xây hầm khí biogas đã phát triển nhiều năm nay nhưng khí biogas chủ yếu được tận dụng để đun nấu, trong khi nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đều phải dùng máy phát điện để phòng khi mất điện, gây lãng phí trong khi lượng khí biogas lại không sử dụng hết.GS-TSKH Bùi Văn Ga đã cùng các cộng sự nghiên cứu, chế tạo thành công bộ phụ kiện vạn năng với tên gọi GATEC dùng để chuyển đổi máy phát điện chạy bằng xăng dầu sang chạy bằng biogas/xăng hoặc biogas/diesel. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài “Bộ phụ kiện cung cấp biogas cho động cơ tĩnh tại chạy bằng hai nhiên liệu biogas – dầu mỏ” triển khai từ năm 2006-2008. GATEC đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền sáng chế. Công nghệ này đã được chuyển giao, thực hiện tại nhiều nơi. Biogas không chỉ dùng đun nấu Mới đây, Công ty TNHH TM-DV Thành Phú (ở thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, chuyên sản xuất và cung cấp heo giống) là đơn vị đầu tiên ở tỉnh ta ứng dụng công nghệ nói trên. Bà Trương Thị Ánh Loan, Phó Giám đốc Công ty Thành Phú, cho biết: “Tôi đã tham quan một số trại chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam, thấy họ sử dụng máy phát điện chạy bằng khí biogas nhưng là máy công suất nhỏ, mỗi trang trại có khi chạy vài máy, không hiệu quả và tốn chi phí vận hành. Khi nghe về công nghệ GATEC, tôi đã ra Đà Nẵng để tìm hiểu và quyết định lựa chọn, hiện đã lắp đặt và vận hành máy, mỗi ngày chạy khoảng 6 giờ, lượng điện tiết kiệm đáng kể, đảm bảo nguồn điện thay thế khi bị cúp điện đột ngột”. Công ty Thành Phú chăn nuôi heo bằng công nghệ lạnh (chăn nuôi heo trong phòng lạnh giúp phòng chống dịch bệnh ở heo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường, là giải pháp giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, được thực hiện tại nhiều trang trại nuôi heo ở các địa phương trong nước) với quy mô 650 heo nái và 4.000 heo con giống. Hàng tháng, công ty xuất khoảng 1.200 heo giống. Với quy mô chăn nuôi lớn, hiện đại, chi phí tiền điện hàng tháng hơn 50 triệu đồng. Ông Ngô Mậu Năm, Giám đốc kỹ thuật của Công ty CP Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ VIBATECH, cho biết: “Dựa trên nghiên cứu của GS Bùi Văn Ga, chúng tôi đã phát triển công nghệ này để ứng dụng trong thực tế. Tuy nhiên, bộ chuyển đổi lắp đặt chạy máy phát điện tại Công ty Thành Phú là sản phẩm đầu tiên chúng tôi nghiên cứu, phát triển thêm để chạy máy phát điện công suất lớn (công suất 125/150kV A, tương đương 106/128kWh). Đối với nhu cầu sử dụng của công ty, nếu cho máy chạy 6 giờ/ngày, mỗi giờ máy cung cấp cho khu trại khoảng 70kWh, tính theo giá điện trung bình hiện đang áp dụng là 2.100 đồng/kWh (chưa tính giá điện vào giờ cao điểm), có thể tiết kiệm hơn 800 ngàn đồng tiền điện mỗi ngày. Như vậy, mỗi tháng, công ty sẽ tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng tiền điện nhờ khí biogas”.
Tiết kiệm điện, bảo vệ môi trườngQuy trình biến khí biogas thành điện trải qua các công đoạn: biogas sau khi qua bình lọc để lọc khí độc H2S và khí CO2 được dẫn vào túi chứa trước khi dẫn vào máy phát điện thay thế nhiên liệu xăng/dầu. Hệ thống khá đơn giản, chỉ cần khởi động máy, sau đó động cơ tự khóa đường dẫn xăng và mở khóa đường dẫn biogas, khi hết khí biogas, hệ thống sẽ chuyển sang cơ chế chạy bằng xăng/dầu. Bộ phụ kiện này có thể lắp được trên các động cơ có công suất từ 1 kW đến vài trăm kW. Đặc biệt động cơ vẫn chuyển đổi sang chạy bằng nguyên liệu xăng/dầu bình thường nếu hết biogas, nên hầm biogas dù nhỏ cũng ứng dụng được. Từ năm 2004, Bình Định là một trong 12 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ NN-PTNT chọn tham gia Dự án Khí sinh học (biogas). Theo BQL Dự án Khí sinh học tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 8.000 công trình biogas, lượng khí biogas chủ yếu được tận dụng để đun nấu. Khí biogas chưa được tận dụng triệt để như hiện nay là một sự lãng phí lớn. Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, hiện mỗi năm ngành chăn nuôi nước ta sản sinh ra khoảng 4 tỉ m3 khí biogas, chủ yếu sử dụng để đun nấu nên biogas thừa và thải ra môi trường. Với mức độ gây hiệu ứng nhà kính của khí CH4 (thành phần chủ yếu của biogas) cao gấp 23 lần so với khí CO2, việc tận dụng biogas làm nhiên liệu phát điện là rất cần thiết nhằm giảm phát thải chất khí gây hiệu ứng nhà kính và tiết kiệm nhiên liệu dầu cho quốc gia. Với công nghệ này, chỉ cần 1 hộ chăn nuôi từ 15-20 con heo mà sử dụng máy phát điện biogas sẽ tiết kiệm được 24 triệu đồng/năm. Động cơ chạy bằng biogas có thể biến 1m3 khí biogas thành 1kWh điện, tiết kiệm được 0,4 lít dầu diesel, góp phần giảm phát thải 1kg khí CO2. Việc sử dụng động cơ này sẽ chủ động nguồn điện thắp sáng, sản xuất kinh doanh và còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.MAI HỒNG (Theo Báo Bình Định) |